Trekking hai ngày một đêm trong rừng Bù Gia Mập

Hành trình băng rừng, lội suối của Võ Thị Hồng tại Bù Gia Mập thêm phần thử thách khi gặp rất nhiều vắt.

Võ Thị Hồng, sinh năm 1998 hiện sống tại TP HCM, luôn tìm đến rừng để thư giãn sau những ngày làm việc. Lớn lên ở Đắk Lắk nên Hồng luôn có tình yêu với chốn đại ngàn. Cô có một đồng nghiệp cùng chung sở thích leo núi, về rừng nên cuối tháng 11, cả hai đã có chuyến trekking ở vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) trong hai ngày.

“Đấy là phút ngẫu hứng của hai chị em. Đầu tuần rủ nhau xong là đặt tour. Suýt bể kèo do đặt gấp mà còn chọn ngày cuối tuần nên tour nào cũng kín”, Hồng chia sẻ. Mong muốn ban đầu của cô gái 24 tuổi là trải nghiệm tự túc, nhưng do công việc quá bận không có nhiều thời gian lên kế hoạch, nghiên cứu lộ trình nên đành đi tour.

Khung cảnh thiên nhiên xanh mát là điểm thư giãn lý tưởng cho Hồng dịp cuối tuần

Cả nhóm được hai người dân tộc S’Tiêng là Điểu Don và Điều Dũng chia nhau một trước một sau dẫn đoàn cùng một hướng dẫn viên bản địa. Mất khoảng hai tiếng rưỡi thì cả đoàn đến được nơi cắm trại. Tổng cung trek dài 8 km, ngắn hơn nhiều so với cung Tà Năng – Phan Dũng 36 km Hồng từng trải nghiệm nên không thấy mệt mỏi.

Hồng miêu tả cung đường trekking giống hình chữ U, sẽ đi xuống dưới suối rồi cắm trại gần đó, khi về sẽ từ đó leo lên. Và để tăng thêm phần thách thức cho hành trình, khi cả đoàn vừa xuất phát tầm 100 m thì trời đổ mưa, làm đường đi vốn đã dốc lại càng thêm trơn trợt.

Điều Hồng nhớ nhất là rừng rất nhiều vắt. Đã bôi thuốc chống vắt trước khi xuất phát nhưng vì gặp trời mưa, nên thành công cốc. Hồng than thở: “Càng đi vắt tấn công càng nhiều. Ban đầu mình cũng sợ, nhưng rồi dần quen, để kệ luôn. Lúc mở đôi vớ ra thấy hai, ba con vắt, giờ nghĩ lại mình vẫn nổi da gà”. Sau chuyến đi, đôi chân của Hồng trở nên nổi tiếng với danh hiệu “Đôi bàn chân thu hút vắt”.

Bữa cơm tối được đồng bào S’Tiêng chuẩn bị “đầy ắp hương vị của rừng” có cơm lam, canh thụt, gỏi hoa chuối, bò nấu ống tre, gà, vịt nướng. “Lúc cơm còn đang nấu mình đã mon men ké trước cái đùi gà, rồi ngồi nghe các anh chia sẻ về rừng. Vào thời kháng chiến chiến chống Mỹ, nơi đây là chiến trường ác liệt bậc nhất vùng Đông Nam Bộ…”. Hồng mê món rượu Chuho, vị ngọt đựng trong ống lồ ô. Nguyên liệu là chuối hột được trồng ở rừng và mỗi cây đặc trưng chỉ cho ra một buồng duy nhất.

Hai chị em Hồng qua đêm trong một chiếc lều nhỏ có trải tấm cách nhiệt. Đêm về sâu, chỉ còn nhạc của núi rừng. “Tôi đã ngủ rất ngon trong tiếng ve, tiếng thác chảy và tiếng gió. Rừng luôn mang đến cho tôi một cảm giác rất đặc biệt, rất khác lạ mà không nơi nào có được”. Cô còn kết bạn được với một chú mèo mướp trên đường về vào sáng hôm sau. Chú mèo “quá giang” trên balo của Hồng, theo cô trèo đèo, lội suối, qua ba con dốc rồi mới nói lời tạm biệt. Gần nơi cắm trại có một con thác tung bọt trắng. Cô vẫn tiếc vì hôm đó trời mưa, nước đổ xuống mạnh kéo theo đất đỏ làm mất cơ hội tắm tiên.

Cả đoàn kết thúc chuyến hành trình vào 15h, có chỗ để tắm rửa sạch sẽ trước khi về. Với Hồng, đi rừng là cách để cô giải tỏa những áp lực cuộc sống, thanh lọc tâm hồn và tìm kiếm sự bình yên. Hồng mong sẽ được quay lại Bù Gia Mập trong thời gian sớm nhất cùng hội bạn thân để chuyến hành trình trọn vẹn hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyến đi, Hồng cho hay những ai đi leo núi, băng rừng nên mang theo chocolate. “Lúc nào mình mệt thì làm một viên, vừa gọn nhẹ, vừa giúp bổ sung năng lượng hiệu quả, thêm một chai nước điện giải. Mình mang quần áo có nửa balo, nửa còn lại toàn đồ ăn!”, Hồng cho hay.

Những lưu ý khác:

– Đồ đạc cần tối thiểu: 2 chai nước, đồ mặc cho 1 ngày 1 đêm ở trong rừng, giày trekking, dép tổ ong, mũ, nón, khăn rằn và gậy.

– Di chuyển từ TP HCM từ bến xe miền Đông, quãng đường khoảng 200 km, thời gian chừng 4,5 tiếng.

 

 

This will close in 20 seconds

This will close in 0 seconds