Lịch trình nào phù hợp khi du lịch Đông – Tây Bắc?

Gợi ý điểm đến cho kỳ nghỉ tại Hiroshima
7 Tháng Ba, 2024
Vào thủ phủ hoa sơn tra Mù Cang Chải
18 Tháng Ba, 2024

Đi thuyền trên hồ Ba Bể (Bắc Kạn).

Gia đình 4 người xin tư vấn lịch trình phù hợp để tự lái xe du lịch tuyến Đông – Tây Bắc trong khoảng một tháng.

Hè này, gia đình tôi muốn tự lái ôtô đi du lịch hết các tỉnh miền núi phía Bắc, trong khoảng một tháng. Gia đình tôi có hai vợ chồng và hai con 10 và 12 tuổi. Cả hai vợ chồng đều có thể lái xe. Mong các độc giả từng đi với hành trình và thời gian tương tự có thể tư vấn cho gia đình tôi một lịch trình hợp lý.

Ngoài ra có gì cần lưu ý, xin được tư vấn cụ thể. Xin cảm ơn.

Trả lời

Theo tư vấn từ anh Việt Hùng, đại diện một công ty lữ hành ở Hà Nội, và Cường Phạm, nhiều lần đi phượt các tỉnh miền núi phía Bắc, có một số điều lưu ý cho gia đình bạn nếu muốn thực hiện hành trình trên.

Sông Nho Quế ở Hà Giang.

– Bạn cần lên kế hoạch thật kỹ, chuẩn bị tinh thần, sức khỏe, phương tiện, kinh phí và đồ dùng cần thiết cho bản thân và trẻ em để tận hưởng một kỳ nghỉ dài và thật sự thoải mái.

– Cần xác định đi theo hình thức nào, phượt hay thư giãn (đi bụi hay cao cấp). Xác định được đúng nhu cầu, sau đó bạn mới lên lịch trình, đặt phòng khách sạn, chọn quán ăn. Nếu đi kiểu thư giãn, nên ở trong các khu nghỉ dưỡng, di chuyển ít và ăn uống tại các nhà hàng. Còn ngược lại, bạn có thể bắt đầu hành trình ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào, không quan trọng giờ ăn uống, hay các bữa ăn có thể linh hoạt, thậm chí ăn ngay trên xe.

– Cũng cần xác định rõ bạn thích đi một số địa điểm hay đi càng nhiều nơi càng tốt, đi kiểu check in hay tìm hiểu sâu tại mỗi điểm dừng.

– Vì chuyến đi vào mùa hè, bạn cần xem thời tiết để chọn thời điểm xuất phát đẹp, chuyến đi không bị ảnh hưởng.

– Cần hiểu rõ sở thích của mình để chọn các điểm đến phù hợp. Những điểm sau đây có thể tham khảo dừng chân trong hành trình: Điện Biên (đèo Pha Đin, Điện Biên Phủ, cực Tây A Pa Chải), Lai Châu (bản Sin Suối Hồ), Lào Cai (Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý, đèo Ô Quy Hồ nối với Lai Châu), Sơn La (Mộc Châu, Tà Xùa), Hà Giang (Đồng Văn, Mèo Vạc, Lũng Cú, TP Hà Giang), Yên Bái (Mù Cang Chải, Tú Lệ, Trạm Tấu), Cao Bằng (Thác Bản Giốc, đèo Mã Phục, khu di tích Pắc Bó), Tuyên Quang (hồ Na Hang, suối khoáng Mỹ Lâm), Bắc Kạn (hồ Ba Bể, động Nàng Tiên), Lạng Sơn (TP Lạng Sơn, đỉnh Mẫu Sơn).

– Nếu muốn đi toàn bộ những điểm trên, thời gian của bạn có thể sẽ dài hơn dự tính vì giao thông vùng núi phía Bắc không dễ đi như đồng bằng. Lời khuyên là nên đi từng khu vực, ví dụ Tây Bắc trước, rồi chuyến khác sẽ đến Đông Bắc. Theo anh Hùng, hiện là thời điểm đẹp để trải nghiệm phía Đông Bắc.

Đi thuyền trên hồ Ba Bể (Bắc Kạn).

– Điều quan trọng nhất đối với chuyến đi dài ngày đó là bạn phải tính đến cảm giác “chán” khi đi khỏi nhà quá lâu. “Nhớ cơm nhà, nhớ căn phòng của mình, nhớ cuộc sống thường ngày và công việc” là điều mà nhiều du khách sẽ thường gặp. Trẻ em cũng là một yếu tố tác động có thể khiến bạn “kết thúc chuyến đi sớm hơn kế hoạch”, anh Cường nói và chia sẻ nên điều chỉnh thời gian toàn bộ chuyến đi cho phù hợp.

Chúc bạn có lựa chọn phù hợp và một chuyến đi vui vẻ.

+84 96 831 9585