Ngoài hai tuyến chạy ở nội đô, TP HCM sẽ mở ba tuyến vận tải hành khách đường thuỷ kết hợp du lịch đi Bình Dương, Côn Đảo và Tiền Giang trước năm 2025.
5 tuyến này nằm trong kế hoạch phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy giai đoạn 2023-2025, được Sở Giao thông Vận tải TP HCM đưa ra chiều 6/7. Việc khai thác thêm các tuyến đường thuỷ này được cho góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại người dân, phát triển du lịch, chia bớt áp lực cho giao thông đường bộ.
Theo đó, hai tuyến ở nội đô dự kiến được đầu tư hoàn thành năm 2024, gồm: quận 1 đi quận 7 và Nhà Bè, dài khoảng 13 km. Tuyến dự kiến từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn – kênh Tẻ – rạch Ông Lớn – rạch Đỉa đến bến Ngôi Sao Việt. Trên tuyến hiện các bến Ngôi Sao Việt (quận 7) và Cù Lao Xanh (Nhà Bè) đã được đầu tư xây dựng. Khi hoạt động, tuyến sẽ kết hợp tham quan các điểm du lịch, trung tâm thương mại, khu ẩm thực…
Tuyến khác ở nội thành kết nối bến Bạch Đằng đi Thanh Đa, Bình Quới, dài 10 km. Tuyến này cũng có lợi thế khi có một số vị trí bến đã được xây dựng, đảm bảo an toàn, mỹ quan.
Ngoài hai tuyến trên, thành phố lên kế hoạch mở thêm ba tuyến liên tỉnh. Trong đó, tuyến đi Bình Dương, Củ Chi sẽ theo sông Sài Gòn chiều dài khoảng 79 km. Tuyến này kết nối từ bến Bạch Đằng đến TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), bến Đình, bến Dược (huyện Củ Chi, TP CM). Trên tuyến ngoài một số bến bãi đã được xây dựng, các bên liên quan sẽ đầu tư thêm hạ tầng đồng bộ, dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 2024-2025.
Tuyến giao thông thuỷ kết hợp du lịch từ TP HCM đi Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) có chiều dài khoảng 225 km, theo sông Soài Rạp, vịnh Đồng Tranh và Biển Đông. Tuyến này dự kiến xuất phát từ cảng Sài Gòn – Hiệp Phước (Nhà Bè) đến bến cảng tàu khách Côn Đảo tại Vịnh Côn Sơn, huyện Côn Đảo. Hiện, tuyến này đã có một doanh nghiệp đăng ký khai thác với tàu có sức chở khoảng 1.100 khách.
Tuyến còn lại là phà biển Cần Giờ chạy qua huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, dài khoảng 12 km. Điểm đầu tuyến ở từ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông và ngược lại. Tuyến này dự kiến đầu tư hoàn thành năm 2024.
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM Bùi Hoà An, hệ thống đường thuỷ ở thành phố nhiều lợi thế khi có 101 tuyến, tổng chiều dài 913 km có thể khai thác. Đặc biệt, nhiều tuyến đường thủy ở trung tâm thành phố, thuận lợi cho vận tải hành khách, kết hợp khách du lịch như sông Sài Gòn, kênh Tẻ, kênh Đôi, Tàu Hủ… Do vậy, việc khai thác các tuyến vận tải trên sẽ giúp tận dụng nhiều lợi thế của hệ thống sông, rạch trên địa bàn.
Tuy nhiên, để triển khai đồng bộ, ông An cho biết ngành giao thông và du lịch thành phố sẽ tiếp thu góp ý của các doanh nghiệp liên quan những khó khăn hiện nay như tĩnh không cầu, hệ thống bến bãi để tham mưu chính quyền thành phố tháo gỡ.
Trước đó, TP HCM đã đưa vào khai thác nhiều tuyến giao thông, du lịch đường thuỷ như buýt sông số 1, phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu, tàu cao tốc TP HCM – Vũng Tàu.