Tháng 11, hoa dã quỳ nở rộ trên khắp nẻo đường, quanh ngọn núi lửa Chư Đăng Ya, tạo nên khung cảnh lãng mạn.

Chư Đăng Ya là một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm. Miệng núi lửa có hình phễu, cao khoảng 500 m so với mưc nước biển.
Chư Đăng Ya (tiếng Jrai, Chư có nghĩa là núi, Đăng Ya là củ gừng dại) thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 30 km về hướng đông bắc và cách điểm du lịch Biển Hồ nổi tiếng 20 km.
Chư Đăng Ya được mệnh danh là thiên đường của hoa dã quỳ, nằm trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh Gia Lai.








Anh Đô gợi ý du khách có thể leo lên đỉnh Chư Nâm bên cạnh để có view toàn cảnh của núi lửa Chư Đăng Ya và thung lũng hoa dã quỳ bên dưới.
Buổi chiều nắng hoàng hôn rọi xuống thung lũng hoa dã quỳ cũng rất nên thơ. Nhưng do Chư Đăng Ya bị che khuất bởi đỉnh Chư Nâm cao hơn nên nắng thường tắt sớm.

Tháng 11 hàng năm là thời điểm UBND huyện Chư Păh tổ chức lễ hội hoa dã quỳ trên ngọn núi Chư Đăng Ya. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 8 đến 14/11, trọng điểm là từ ngày 10 đến 12/11 tại nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya).
Ghé thăm Chư Đăng Ya dịp này, ngoài ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa dã quỳ, du khách có thể cắm trại dã ngoại, tham gia nhiều hoạt động khám phá nét đẹp văn hóa bản địa. Trong tuần lễ sẽ diễn ra nhiều hoạt động thể thao như: đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, nhảy bao bố, trò chơi dân gian; thi chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đang Ya, thi trình diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng; phục dựng lễ hội “Mừng lúa mới” của dân tộc Jrai, theo cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai.

“Dã quỳ, loài hoa dại mọc nơi một ngọn núi lửa đã chết, tạo nên vẻ đẹp, thương hiệu cho du lịch và con người nơi đây”, anh Đô nói.
Trên đường đến núi lửa Chư Đăng Ya, du khách có thể trải nghiệm con đường thông trăm tuổi, ghé thăm Biển Hồ Chè, chùa Bửu Minh, cánh đồng lúa chín Ngô Sơn.