Huế lặng lẽ đến cuốn hút trong mắt du khách quốc tế

Huế trong mắt du khách quốc tế là điểm đến lặng lẽ nhưng giàu trải nghiệm – nơi dung hòa lịch sử, ẩm thực và nhịp sống đô thị vừa đủ.

Ở Đông Nam Á, những cái tên như Bangkok, Bali hay Siem Reap từ lâu đã trở thành “thánh địa” du lịch, với mật độ dày đặc các điểm check-in, dịch vụ giải trí và lượng du khách quốc tế áp đảo. Trong khi đó, Huế, thành phố từng là trung tâm chính trị, văn hóa, tôn giáo của Việt Nam dưới triều Nguyễn, dường như chậm hơn trong cuộc đua tiếp cận toàn cầu. Nhưng cũng chính điều đó tạo nên một sức hút riêng: một điểm đến không ồn ào nhưng sâu lắng, không phô trương nhưng độc đáo.

Một góc Huế những ngày đầu năm 2025

“Tôi thấy Huế giống như TP HCM, nhưng ít ồn ào hơn. Vẫn có quán bar, nhà hàng, nhưng không bị choáng ngợp bởi âm thanh, ánh sáng”, Troy Nankervis – du khách từ Sydney – chia sẻ cảm nhận về những đêm lang thang trong phố cổ. Với Troy, Huế là một sự giao thoa thú vị: đủ cổ kính để khơi gợi lịch sử, đủ sôi động để không nhàm chán.

Roo Wanders, du khách Singapore, lại ấn tượng bởi bầu không khí trầm lặng nhưng thanh lịch của Huế. “Tôi cảm giác như được quay ngược thời gian khi bước vào Kinh thành, chùa Thiên Mụ hay các lăng tẩm,” cô nói. Trong hành trình hai ngày ở đây, Roo đi thuyền sông Hương, dạo chợ Đông Ba và dùng tới ba bữa bún bò Huế – món ăn cô đánh giá là mạnh mẽ về hương vị, cay nồng và sâu sắc.

Điểm chung từ nhận xét của hai du khách này là về sự cân bằng trong nhịp sống Huế – không quá nhanh, không quá chậm, khiến việc khám phá trở nên thư thái hơn so với những điểm đến quá đông đúc như Hội An hay Sa Pa vào mùa cao điểm.

Một nữ du khách nước ngoài nhìn trẻ em Huế chơi đùa ở Bến Me, nằm trong công viên Phú Xuân, Huế

Dustin Kemp – cây viết người Hà Lan của chuyên trang Indie Traveller – cho rằng Huế là nơi hiếm hoi mà “lịch sử không chỉ để xem, mà để cảm”. Theo anh, việc dạo bước dọc bờ sông Hương, ngồi thuyền buổi hoàng hôn hay đạp xe qua những làng cổ ven thành khiến du khách có cảm giác đang bước qua những mảng thời gian.

“Khái niệm ‘lãng mạn’ ở Huế đến từ trải nghiệm đa tầng: phong cảnh trầm mặc, kiến trúc uy nghiêm, món ăn đặc sắc và con người nhẹ nhàng”, Kemp viết trong một bài blog gần đây. Anh đánh giá sông Hương là một trong những dòng sông được bảo tồn tốt nhất trong các thành phố châu Á – điều hiếm thấy trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ.

Không như các thành phố ven biển hay cao nguyên thiên về trải nghiệm cảnh quan, Huế là nơi mà trải nghiệm du lịch gắn chặt với văn hóa và ẩm thực truyền thống. Từ các món ăn cung đình biến tấu thành ẩm thực đường phố như bánh bèo, bánh lọc, đến những quán cà phê nằm trong nhà rường cổ, nơi du khách có thể thưởng thức ly cà phê muối và nghe ca Huế vào chiều muộn – mọi thứ đều mang đậm chất địa phương. Roo kể lại khoảnh khắc bất ngờ khi bước vào một quán nhỏ, được cảm nhận hương vị độc đáo; mặn, ngọt pha trộn của món cafe muối.

Vẻ đẹp của sông Hương, cầu Trường Tiền lúc hoàng hôn.

Troy thừa nhận Bali hay Thái Lan được biết đến rộng rãi hơn, nhưng theo anh, Việt Nam – mà Huế là đại diện điển hình – đang chạy đua theo cách riêng với những giá trị không thể sao chép từ văn hóa, hương vị đến lịch sử. Trong bối cảnh du lịch châu Á nở rộ và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Huế không cố gắng để trở thành phiên bản thứ hai của bất kỳ nơi nào. Thay vào đó, thành phố hướng tới hình ảnh sâu lắng và bền vững. Điều đó đang dần ghi dấu trong lòng du khách quốc tế.

Việc được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2025, là cơ hội vàng để Huế bước ra ánh sáng trong vai trò mới: thành phố di sản có khả năng tổ chức các sự kiện du lịch – thể thao quy mô lớn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This will close in 20 seconds

This will close in 0 seconds