Đừng đến Akshardham nếu muốn sống ảo

băng dính điện

Swaminarayan Akshardham, một trong những ngôi đền Hindu lớn nhất thế giới, đã để lại nhiều ấn tượng với độc giả Trịnh Thu Hằng.

Độc giả Trịnh Thu Hằng, vừa kết thúc chuyến đi Ấn Độ với nhiều ấn tượng về đất nước này. Cô có bài viết chia sẻ riêng với độc giả

Không cần bước chân ra khỏi nhà, chỉ tốn 30 phút ngồi trong phòng tự điền vào bản khai trên website indianvisaonline.gov.in và nộp 246.000 đồng lệ phí qua mạng, tôi đã có E-visa (visa điện tử) do Chính phủ Ấn Độ cấp.

Một trong những điểm đến đầu tiên của tôi trên đất Ấn là Swaminarayan Akshardham – một trong những ngôi đền Hindu lớn nhất thế giới, khánh thành năm 2005, cách trung tâm thủ đô Delhi chỉ vài km. Có hẳn một ga tàu điện ngầm mang tên ngôi đền này, được đưa vào hoạt động năm 2009, phục vụ một lượng lớn du khách muốn thăm đền. Mua vé tàu điện ngầm chỉ với 30 rupee (khoảng 10.000 VND) là tôi có thể dễ dàng đi từ trung tâm Delhi đến Akshardham, không tắc đường, không lo muộn giờ, không phải chen lấn trên những con phố đông nghẹt của thủ đô.

Bãi đỗ xe bên trong Akshardham

Đã đọc và nghe nhiều về ngôi đền thế kỷ, nhưng cảm giác kinh ngạc vẫn trào lên khi tận mắt nhìn thấy quy mô và tầm vóc của nó. Quần thể đền rộng khoảng 40 hecta, gấp 57 lần mặt sân vận động Mỹ Đình. Toàn bộ quần thể được bao quanh bởi bức tường cao hơn đầu người, do đó chỉ vào bên trong bạn mới có thể ngắm nhìn nét hùng vĩ của nó. Du khách được vào cửa miễn phí.

Cũng như nhiều công trình tôn giáo khác ở Ấn Độ, đền Akshardham không khuyến khích khách tham quan mang theo các thiết bị điện tử. Họ muốn du khách đến để chiêm nghiệm, ngắm nhìn, và có khoảng thời gian tĩnh lặng để soi vào chính tâm hồn mình, suy nghĩ về cuộc đời, thay vì đến chỉ để chụp ảnh sống ảo. Nhờ đó, những lớp kiểm soát an ninh rất chặt chẽ.

Vừa bước chân vào cửa, du khách có thể thấy ngay những tấm biển ghi rõ các vật dụng không được mang vào: điện thoại, máy ảnh, laptop, sạc pin, ô, túi xách, đồ chơi, và cả đồ ăn thức uống (trừ đồ ăn cho trẻ sơ sinh). Chỉ được mang ví nhỏ đựng tiền, hộ chiếu, và đồ trang sức. Du khách được yêu cầu điền vào phiếu gửi đồ ở quầy, ghi rõ tên tuổi, địa chỉ nhà, số điện thoại. Tại quầy gửi đồ, nhân viên kiểm tra kỹ từng túi, bày toàn bộ thiết bị điện tử của du khách ra mặt quầy, và đề nghị khách bỏ khẩu trang, mũ nón ra để camera ghi lại hình ảnh.

Sau bước gửi đồ là kiểm tra an ninh. Ở Ấn Độ, để tôn trọng phụ nữ, bất cứ nơi nào có cửa kiểm tra an ninh cũng chia thành hai khu vực riêng biệt dành cho nam và nữ. Đền Akshardham có 6 ô kiểm tra an ninh cho mỗi bên, mà ô nào cũng có đoàn người xếp hàng dài. Xếp trước tôi là một cụ già khoảng 70 tuổi, mang một chiếc ví nhiều ngăn. Cô nhân viên lịch sự nhưng cương quyết dù bà cụ hơi phàn nàn. Cô kiểm tra từng ngăn, soi từng kẽ, từng ngách, mở từng khóa kéo và nút bấm, để đảm bảo không có bất kỳ vật dụng bị cấm hoặc camera giấu kín nào bên trong. Kiểm tra hành lý xong, chúng tôi bước vào vào cửa kiểm tra thân thể. Nhân viên an ninh yêu cầu du khách cởi giày, bỏ khăn, mũ, và lần lượt kiểm tra từng túi nhỏ trên quần áo của mỗi người.

Từng đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng tôi chưa từng thấy sân bay, đại sứ quán, hay địa điểm nào kiểm tra an ninh chặt chẽ kỹ càng như ở Akshardham. Chưa hết, trước khi bước vào đền chính, du khách lại được yêu cầu cởi bỏ giày dép. Đến lúc này, mỗi người chỉ còn đúng bộ quần áo và ví tiền. Nhưng khi đã đi qua tất cả những bước đó, du khách sẽ cảm thấy thoải mái, yên bình và dễ chịu trong khuôn viên bao la của Akshardham.

Hình ảnh toàn cảnh ngôi đên

Gọi là “ngôi đền”, thực ra Akshardham là một quần thể rộng lớn bao gồm cả một công viên với nhiều cây cối được chăm sóc kỹ lưỡng, một khu giải trí có rạp chiếu bóng, nhà triển lãm, sân khấu nhạc nước ngoài trời… nơi tổ chức hàng ngày nhiều show diễn với giá vé chỉ khoảng 30.000 đồng. Dù không tham gia các show diễn này, chúng tôi cũng trải qua ba giờ đồng hồ mà vẫn chưa đi hết bởi bởi góc nào cũng có điểm gì đó để xem, để ồ lên thích thú.

Đây là nơi duy nhất trên đất nước Ấn Độ, và cả ở những điểm du lịch khác tôi từng đến, mà mọi người đều vui vẻ trò chuyện với nhau, hoặc lặng thầm ngồi ngắm cảnh, vuốt ve bằng mắt những khối điêu khắc tinh xảo trên trần, trên tường, trên mỗi cây cột của khối kiến trúc khổng lồ này. Không một ai cắm cúi vào điện thoại, không có ai selfie, cũng không ai chat chit hay livestream, nói tóm lại là không ai sống ảo.

Rất nhiều người già, trẻ nhỏ chăm chú đọc những câu chuyện nhân văn và sâu sắc về cuộc sống được khắc trên đá sa thạch hồng (pink sandstone) của vùng Rajasthani miền Tây đất nước, với nhân vật chính là hình tượng chú voi thân thương của người Ấn, cũng là của nhiều dân tộc cùng chung sống trên đại lục địa Á châu. Bất ngờ, chúng tôi đọc được cả truyện “Thầy bói xem voi” của Việt Nam, một câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc. 300.000 nghìn phiến đá được điêu khắc bằng tay, 20.000 bức tượng lớn nhỏ, 9 mái vòm lớn bằng đá cùng nhau tạo nên vẻ u trầm, trang nghiêm mà sinh động cho công trình. Bất kỳ ai khi đến đây cũng thán phục sức sáng tạo, khả năng lao động phi thường của những nghệ nhân đã tạo nên kỳ quan này.

Đến giờ làm lễ, chúng tôi theo chân mọi người vào đền chính. Ban thờ chỉ có một bức tượng lớn lộng lẫy, không có đèn, nến, hương khói, không có bất kỳ loại vàng mã, hoa quả, bánh trái, thức uống nào bày xung quanh. Buổi lễ ngắn gọn, đơn giản, và vui tươi, mọi người cùng vỗ tay và hát lời kinh theo tiếng nhạc. Không khí thật trang nghiêm, đầm ấm, dễ chịu.

Kết thúc buổi lễ, chúng tôi đi tới khu ẩm thực của Akshardham. Nhà ăn rộng, như bảo tàng mỹ thuật. Trên trần và tường là hàng chục bức tranh và khối điêu khắc được bài trí công phu, trang nhã với vẻ đẹp cổ điển. Ngược lại, trang thiết bị lại rất hiện đại. Không có menu bằng giấy, thay vào đó là hàng chục màn hình điện tử được treo trên tường, liên tục hiển thị danh mục món ăn, ảnh minh họa và giá của từng món, hấp dẫn như nhà hàng. Sát tường là dãy bồn rửa tay với đầy đủ xà phòng và máy sấy. Tất cả nhân viên đều mặc đồng phục, đội mũ, đeo tạp dề và găng tay. Toàn bộ bàn ghế đều là inox mặt đá, bát, đĩa, thìa đều là inox sáng bóng, ở đây không sử dụng đồ nhựa. Ngạc nhiên là giá cả đồ ăn lại rẻ hơn hàng bán rong ngoài phố. Chúng tôi chỉ tốn 205 rupee (72.000 đồng) cho một bữa ăn tối ngon miệng và no bụng cho hai người với bánh pani poori kèm sốt đậu, pasta sốt kem và lassi xoài.

Hoàng hôn ở Swaminarayan Akshardham

Khi chúng tôi bước ra khỏi đền thì trời đã về chiều. Hàng trăm cánh chim bay lên từ nóc ngôi đền khổng lồ, tạc vào bầu trời đêm Delhi một cảnh tượng kỳ vĩ đến nao lòng. Chúng tôi càng hiểu vì sao họ không để những thiết bị điện tử và mạng xã hội chen vào giữa du khách và sự bình yên hiếm có này. Niềm vui nhẹ nhõm khi ngắm nhìn những kỳ quan được tạo ra từ bàn tay và khối óc của con người, sẽ giúp ta tìm thấy một góc nào đó của chính mình mà đời thường bộn bề vốn từng che đi mất.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This will close in 20 seconds

This will close in 0 seconds