Cận cảnh “nữ hoàng linh trưởng” quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà

băng dính công nghiệp việt nam

“Nữ hoàng” có vẻ đẹp rực rỡ lạ lùng. Lên núi “bắt” chân dung loài linh trưởng quý hiếm cho thỏa đam mê nhiếp ảnh, kỳ thú nhất với tôi là cách vọoc “đối nhân xử thế” như người tử tế!”

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Đệ – Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Sông Hàn, Đà Nẵng – nói về quần  thể vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà.

“Nữ hoàng linh trưởng” cực kỳ quý hiếm trong Sách đỏ thế giới

Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) thuộc họ Khỉ Cựu Thế giới phân biệt với loài khỉ tân thế giới), và là loài có màu sắc rực rỡ nhất trong số các loài linh trưởng.

Chúng được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” bởi vẻ ngoài xinh đẹp, độc đáo. Từ đầu gối đến mắt cá chân những cá thể vọoc này trông như một đôi tất dài màu nâu đỏ có chất liệu “hàng hiệu”, nom rất sang trọng. Cẳng tay trước của chúng màu xám trắng. Bàn tay và đôi chân lại có màu đen.

Từ “Voọc” trong tiếng Việt có nghĩa là “khỉ”. Voọc chà vá chân nâu còn có tên gọi là voọc chà vá chân đỏ, hay voọc ngũ sắc, “giấu đầu lòi đuôi”…

Năm 2008, nhiều trang báo đăng bản tin phát hiện vọoc ngũ sắc ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Thời điểm ấy, các cán bộ của Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật TPHCM thông tin dấu hiệu đáng mừng cho thấy quần thể thuộc dòng khỉ cựu thế giới đang phát triển rất tốt ở đây với 12 bầy đàn, hàng trăm cá thể.

Theo Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia, vọoc chà vá chân nâu được xếp hạng Rất Nguy cấp (CR) trong Sách đỏ Thế giới và xếp hạng Nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam. Tại Việt Nam, loài khỉ ăn lá đặc hữu của vùng Đông Dương (chủ yếu phân bố ở Việt Nam, Lào và một phần nhỏ Đông Bắc Campuchia).

Loài “nữ hoàng linh trưởng” sống trong các khu rừng thường xanh mưa mùa nhiệt đới, rừng nửa rụng lá, đôi khi là rừng thứ sinh thường xanh, rừng núi đá vôi, hoặc rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim.

Chà vá chân nâu thích ăn những lá non, nhỏ và mềm nhưng cũng thích hoa quả như quả sung, nụ, cuống lá, hoa và hạt. Chúng ăn một cách hòa bình bên cạnh nhau, chia sẻ thức ăn mà không tranh giành.

Thường thì chúng chia sẻ một tán lá, chúng dùng tay tách tán lá đó ra chia cho nhau, đây là một hành động hào hiệp mà hiếm loài Khỉ cựu thế giới nào có.

Ngoài khu vực bán đảo Sơn Trà, quần thể lớn nhất hiện nay được cho là phân bố tại Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong. Tại vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng xuất hiện quần thể vọoc lớn.

Ngoài ra, ở Việt Nam, có một quần thể lớn voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị).

Riêng tại bán đảo Sơn Trà, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức nào về số lượng bầy đàn đang sinh sống tại đây. Năm 2018, Tổ chức Green Việt đưa ra con số 1.300 cá thể vọoc đang sinh sống trong “lá phổi xanh” của Đà Nẵng. Song số liệu này, ngay thời điểm thông tin cũng vấp nhiều tranh cãi.

“Chỉ bằng quan sát trực quan thì có thể thấy hàng chục bầy đàn với hàng trăm cá thể, và rất nhiều vọoc con cho thấy quần thể vọoc chà vá chân nâu đang phát triển tốt, dấu hiệu bảo tồn, bảo vệ hiệu quả động vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và cả thế giới”, ông Phan Minh Hải – Phó Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng cho hay.

“Bọn hắn “đối nhân xử thế” như những người tử tế”

Bố, hôm nay có trận Việt Nam – Lào bố ạ

– Thế à, bố con mình trèo lên cao xem cho đã mắt nhé

Ca cộng đồng nhiều quá ông ạ

– Ừ, mình đừng bay nhảy lung tung nhé, lây chéo đấy

Mưa quá, không thấy mấy bác nhiếp (nhiếp ảnh gia) lên chơi

Đó là một vài trong nhiều “caption” (chú thích, chú giải trên mạng xã hội Facebook) hài hước bắt “trend” câu chuyện thời sự của “Hội mê chụp ảnh vọoc Sơn Trà” gắn với những hình ảnh ghi lại  khoảnh khắc đẹp của các gia đình loài “nữ hoàng linh trưởng” đang sinh hoạt ở những khu vực Hố Sâu, Hố Bìm, rừng chò, cây đa đôi, suối bạc, bãi cát vàng… thú vị, có cả điểm định vị “dốc Lê Hải Sơn” – chỗ nhà báo mê nhiếp ảnh Lê Hải Sơn hay “canh me” chụp ảnh giáo hoàng.

Hàng ngày đều có rất nhiều người mê chụp ảnh tìm đến cánh rừng Sơn Trà, đoạn từ đường Yết Kiêu (đường nối trung tâm thành phố Đà Nẵng với Cảng Tiên Sa) hướng lên núi phía bãi cát vàng – nơi người dân và du khách dễ dàng có cơ may nhìn thấy “bọn hắn” vô cùng gần gũi và dạn dĩ, khác với dáng vẻ thủ thế hoặc kiểu cách gầm gừ đe dọa thường thấy ở những động vật hoang dã khi thấy người lạ đến.

Có gần mười năm, hàng ngày, hàng tuần “hễ rảnh là đi thăm bọn hắn”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Đệ vẫn nhớ những ngày đầu theo chân hai người bạn trẻ tuổi trong câu lạc bộ nhiếp ảnh Sông Hàn là Trần Minh và Vũ Hoàng lên rừng nằm phục cả ngày chỉ để chụp được một tấm ảnh chân dung giáo hoàng.

Đó là năm 2013, hồi ấy, chưa nhiều anh chị em mê nhiếp ảnh lên rừng chụp vọoc như bây giờ, giáo hoàng rất nhác người, thường ở tít trên ngọn cao và hễ thấy mình là bọn hắn lỉnh đi mất. Còn bây giờ thì đã dễ tiếp cận hơn, khi giới nhiếp ảnh và bọn vọoc ở Sơn Trà hình như đã kết thành tình bạn “thâm niên” đủ để các cá thể sống hoang dã dạn dĩ “như chốn không người”, mặc cho cả rừng ống kính tele đang ngắm chụp từng khoảnh khắc của chà vá chân nâu.

“Phải ngắm chụp từ vị trí rất xa, đặc điểm dễ nhận ra tán cây có vọoc là chiếc đuôi dài, trắng, thẳng tưng. Nữ hoàng linh trưởng có vẻ đẹp lạ lùng, là con vật khoác lên mình bộ lông sặc sỡ, quyền quý nhất mà tôi từng thấy, nhất là đôi chân màu nâu đỏ, thần thái của các “đại ca” (vọoc đầu đàn)”, anh Nguyễn Đăng Đệ nói.

Theo Wikipedia, một đàn vọoc thường có 4 – 15 cá thể, cá biệt từng có một quần thể đến 50 con được ghi hình. Một con đực thường có 2 con cái làm vợ. Cách để phân biệt là bộ râu của con đực dày hơn. Vợ chồng vọoc thường giao phối trong khoảng từ tháng 8 – 12 hàng năm; hoài thai 4-5 thángg; đến mùa xuân – hè năm sau, vọoc con chào đời ngay mùa quả chín. Vọoc sinh con một, rất hiếm khi sinh đôi. Cá thể vọoc từ 8 tháng tuổi trở đi bắt đầu trưởng thành.

Mười năm “trực quan sinh động” đời sống của “nữ hoàng linh trưởng” giữa lòng thành phố Đà Nẵng, anh Nguyễn Đăng Đệ kể, từ chỗ tìm đến vọoc để thỏa mãn đam mê nhiếp ảnh, anh phải kéo bằng được vợ con lên rừng để thấy vọoc đối xử với vợ, chồng, con cái “hết sức trách nhiệm, tình cảm”

Trong đàn, con đực thường có vị trí quan trọng hơn. Mỗi “ông chồng” có 2 – 3 “bà vợ”. Các “bà” sống chung rất thuận hòa, thể hiện ngay trong điều tế nhị nhất là “quan hệ vợ chồng” và cách những con lớn trong đàn và vọoc huấn luyện vọoc con.

Cách để nhận biết một gia đình vọoc là âm thanh rào rào từ những tán lá xanh trên cao ở những cánh rừng. Chúng đang chuyền cành. Khi huấn luyện vọoc con, vọoc bố sẽ làm mẫu và khích lệ để “đứa trẻ” sắp trưởng thành bay, nhảy tự tin, chắc chắn và nhanh nhẹn trên những ngọn cây cao chót vót. Trong khi đó, vọoc mẹ thường chiều chuộng vọoc con hơn. Vọoc con thường ngồi bên cạnh bố quan sát thế giới, lại thường nũng nịu ôm bụng vọoc mẹ.

Chà vá chân nâu bình thường di chuyển một cách ồn ào từ cành này sang cành khác qua khu rừng, đi qua các tán cây, nhảy nhót trên các cành và nhún nhảy bằng 2 chân cùng lúc, thể hiện khả năng giữ cân bằng tuyệt vời của mình.

Nhưng khi có “biến”, cảm thấy nguy hiểm, chúng có thể chạy trốn một cách yên lặng qua những cành cây.

“Không biết có quá lời không, tôi thấy chỉ là bọn vọoc không biết nói tiếng người, còn lại thì y chang như con người. Những con vọoc con cũng có lúc “đành hanh” với nhau rồi lại ngoan ngoãn sống trong nền nếp hòa bình của một gia đình giống loài có tính cách “biết trước, biết sau” và nhường nhịn nhau”, nhà báo Đặng Thu Thủy, một người mê vọoc tới nổi đi giữa rừng già, “nhìn thấy cái đuôi trắng trắng thò ra cũng thấy vui” nói về các gia đình vọoc mà chị thân thuộc.

Với chị Thủy, chị thích nhất là thần thái của những con giáo hoàng đầu đàn. Những “đại ca” này thường có một dáng vẻ vững chãi, điềm tĩnh, nét mặt thâm trầm và hành xử “rất người lớn” để bảo vệ bầy đàn.

“Khi bầy đàn di chuyển, vọoc đầu đàn sẽ đi trước, sau đó, nó quay lại và ngồi im, quan sát cho đến khi cả đàn đã di chuyển an toàn sang tán cây khác, nó sẽ di chuyển sau cùng theo đàn.  Bộ lông của vọoc đầu đàn thường rất đẹp. Trên tán cây cao, nó không nhí nhố những vọoc con, không tất bật như vọoc bố, vọoc mẹ. Nó ngồi yên vị vững chãi, thâm trầm và toát ra uy quyền. Nếu chụp ảnh chân dung vọoc thì những con đầu đàn thường là những mẫu ảnh đẹp nhất”, chị Đặng Thu Thủy mô tả trải nghiệm những lần “đắm say” ngắm nữ hoàng linh trưởng với ống kính tele đã theo chị đi “mòn đường” bán đảo Sơn Trà.

Nếu Đà Nẵng có một linh vật biểu tượng – chính xác đó là vọoc chà vá chân nâu

Đà Nẵng thực sự là một điểm đến được thiên nhiên ưu đãi. Thành phố trẻ trung, sôi động, hiện đại được ưu ái gọi là “thành phố đáng sống” ở miền Trung nước ta có biển, có sông, có cả “lá phổi xanh” Sơn Trà bao bọc.

Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia có diện tích hơn 4.000 hecta và độ cao ở đỉnh đạt gần 700 mét so với mực nước biển. Đây là ngôi nhà xanh tự nhiên của hàng nghìn loài động, thực vật; trong đó, có khoảng hơn 20 loài thực vật quý hiếm như chò chai, trâm trường, gụ, ngọc quí, dẻ…; 15 loài động vật quý hiếm như khỉ đuôi dài, trăn gấm, gà mặt đỏ… và vọoc chà vá chân nâu có thể nói là loài quý hiếm nổi tiếng nhất ở bán đảo Sơn Trà.

“Giống như nước Úc có chuột túi, Trung Quốc có gấu trúc, New Zealand có con kiwwi,…, nếu Đà Nẵng có một linh vật biểu tượng thì đó chắc chắn là vọoc chà vá chân nâu”, ông Phan Minh Hải – Phó Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng nói.

Cách đây hơn 4 năm, Đà Nẵng đăng cai sự kiện APEC 2017, đón nhiều nguyên thủ các nước khắp thế giới và hàng vạn đại biểu cấp cao, Thành phố đã chọn vọoc chà vá chân nâu là biểu tượng gắn liền với điểm đến sự kiện “thượng đỉnh” này. Những món quà Đà Nẵng dành tặng bạn quý đến thăm thường có hình ảnh loài “nữ hoàng linh trưởng”.

Theo ông Phan Minh Hải, quần thể vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà không chỉ có giá trị bảo tồn sinh học hiệu quả trong hệ sinh thái “rừng vàng, biển bạc” mang thiên nhiên ban tặng Đà Nẵng, mà còn là “thỏi nam châm” hấp dẫn du khách tìm đến Đà Nẵng, phát triển du lịch Đà Nẵng và thực tế, ngành công nghiệp không khói là một mũi nhọn phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Thế giới hiện nay là một thế giới phẳng. Một tấm ảnh đàn vọoc chà vá chân nâu vừa đăng trên mạng xã hội, lập tức được chia sẻ những người yêu thiên nhiên, đam mê nghiên cứu động vật hoang dã, những nhiếp ảnh gia, du khách tiềm năng của Đà Nẵng ở khắp thế giới. Có những đoàn khách bay thẳng từ Châu Âu đến Đà Nẵng ngay sau khi xem ảnh, chỉ để ngắm nhìn loài động vật rất nguy cấp trong Sách đỏ thế giới.

Sự tồn tại của quần thể vọoc chà vá chân nâu, ý thức bảo tồn loài và xây dựng thương hiệu điểm đến gắn với hình ảnh nữ hoàng linh trưởng này sẽ tạo sức hút bền vững định vị Đà Nẵng trên bản đồ du lịch toàn cầu.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This will close in 20 seconds

This will close in 0 seconds