Làng chài Nhơn Lý trước kia ví như vùng đất “khỉ ho gà gáy”. Thế nhưng giờ đây, như một giấc mơ có thật, làng chài ở phố biển Quy Nhơn đã “lột xác” trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Nhiều ngư dân chuyển nghề làm du lịch
Ít ai nghĩ rằng từ một làng chài nghèo nằm trên bán đảo Phương Mai thuộc phía đông bắc TP Quy Nhơn (Bình Định), xã Nhơn Lý đang cất cánh trở thành “thiên đường biển đảo”, thu hút nhiều du khách, đời sống người dân từ đó được nâng cao.
Theo chính quyền địa phương, UBND xã Nhơn Lý có khoảng 2.000 hộ dân với gần 10.000 khẩu, ở 4 thôn: Lý Hưng, Lý Lương, Lý Chánh, Lý Hòa.
Trước đây, Nhơn Lý là một xã làng chài, người dân chủ yếu sống gắn bó với nghề đánh bắt, sơ chế thủy sản. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2015 chỉ hơn 24 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách trên địa bàn xã là 340 triệu đồng/năm.
Từ năm 2016 đến nay, Nhơn Lý có bước chuyển mình ngoạn mục cùng với việc phát triển hoạt động du lịch. Để phục vụ khách tham quan du lịch, nhiều người dân ở Nhơn Lý đã chuyển đổi nghề biển qua làm dịch vụ du lịch.
Năm 2015, trên địa bàn xã có khoảng 250 chiếc tàu thuyền cơ giới đánh bắt thủy sản, đến nay chỉ còn 150 chiếc; cơ sở vật chất phục vụ du lịch tăng nhanh. Hiện cả xã có 45 cơ sở kinh doanh thương mại du lịch, 24 cơ sở kinh doanh lưu trú với khoảng 200 phòng… phục vụ du khách.
Bà Nguyễn Thị Bê (76 tuổi, thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý) chia sẻ: “Như một giấc mơ có thật. Khoảng 10 năm về trước, không ai nghĩ rằng làng chài Nhơn Lý vốn toàn cát, nắng và gió cháy da thịt nhưng giờ trở thành trung tâm du lịch biển đảo, mỗi ngày thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan”.
Theo bà Bê, dù chỉ cách trung tâm TP Quy Nhơn chừng 20km nhưng khi chưa có cầu bắc qua đầm Thị Nại, Nhơn Lý gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. “Thời đó khổ lắm, đàn ông chủ yếu đi biển đánh bắt thủy sản gần bờ, đàn bà ở nhà lo việc nội trợ, chăm con. Nhà cửa lụp xụp, chạy ăn từng bữa, cuộc sống thiếu thốn đủ bề”, bà Bê kể.
Cuối năm 2006, cầu vượt đầm Thị Nại được đưa vào sử dụng, nối liền bán đảo Phương Mai với trung tâm TP Quy Nhơn. Lần đầu tiên, người dân ở bán đảo Nhơn Lý như được bước ra “ánh sáng” nhưng cuộc sống lúc ấy chưa hết khổ. Ngày ấy, những gia đình ở Nhơn Lý có cuộc sống khá giả, chủ yếu nhờ có người đi lao động ở Philippines gửi tiền về xây nhà cửa.
Thiên đường tỉnh giấc
Khoảng năm 2016, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn cùng với đó là một số khu du lịch ở Nhơn Lý như Kỳ Co, Eo Gió được đưa vào hoạt động nên du khách về đây ngày càng nhiều. Đó cũng là thời điểm du lịch Nhơn Lý chuyển mình “tỉnh giấc”, nhiều ngư dân giã từ nghề biển qua làm dịch vụ du lịch.
Bây giờ đến Nhơn Lý, nhà lầu mọc lên khắp nơi, xen kẽ với những ngôi nhà theo phong cách truyền thống của làng chài. Nhiều khách sạn, nhà hàng, quán ăn, homestay mọc lên. Khách du lịch đến Nhơn Lý ngày một đông, đặc biệt là vào dịp cuối tuần, dịp lễ.
Một chủ homestay nằm ngay sát bãi biển thôn Lý Hòa (xã Nhơn Lý) chia sẻ: “Sau đại dịch, du lịch Bình Định đã phục hồi rất tích cực. Những ngày hè vừa qua, du khách đến Nhơn Lý ngày càng đông, nhất là ngày cuối tuần, homestay của chúng tôi luôn kín phòng. Khách du lịch chủ yếu đến từ các tỉnh thành phía bắc và khu vực Tây Nguyên”.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Lý Lương, vài năm trở lại đây, không chỉ ngư dân trong làng mà nhiều người ở nơi khác cũng đến Nhơn Lý mua đất hoặc thuê mặt bằng để kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch. Từ đó, tạo ra nhiều công ăn việc làm, cơ hội kinh doanh cho người dân địa phương.
“Rất dễ nhận thấy sự thay đổi ở Nhơn Lý là ngư dân trước đây đi biển không đủ ăn, giờ có người làm chủ homestay, nhà hàng, quán ăn hoặc làm nghề lái ca nô, lái xe điện chở khách… Còn phụ nữ không phụ thuộc vào công việc của chồng nữa, có thể làm công ty hoặc ở nhà buôn bán nước, bán đồ lưu niệm…”, ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Thành Danh – Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết lượng du khách đến Nhơn Lý trong năm 2019 đạt trên 354.000 lượt (tăng hơn 25.000 lượt khách so với năm 2018). Trong 2 năm 2020 và 2021, khách du lịch đến Nhơn Lý chỉ đạt 364.000 lượt do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động du lịch tại Nhơn Lý sôi động trở lại.
“So với năm 2015, tổng thu ngân sách năm 2020 của Nhơn Lý tăng hơn 10 lần (đạt hơn 5,9 tỷ đồng), thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần (đạt 46,6 triệu đồng). Đến năm 2021, tổng thu ngân sách của Nhơn Lý đã tăng lên 7,2 tỷ đồng. Nhơn Lý được lãnh đạo tỉnh đánh giá là một trong những địa phương ven biển phát triển khá nhanh, đặc biệt là trong hoạt động phát triển du lịch”, ông Danh nói.
Phát triển du lịch cộng đồng bền vững
Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng Nhơn Lý được như ngày nay là nhờ có nhiều thắng cảnh nổi tiếng cùng hệ sinh thái biển đa dạng, được du khách xem như “thiên đường biển đảo”. Trong đó, Kỳ Co được ví như “Maldives của Việt Nam”; Eo Gió được gọi là nơi có hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam; hay Hòn Sẹo, Hòn Nhàn, Bãi Dứa… hấp dẫn du khách đến tắm biển, lặn ngắm san hô.
Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng hình thái đô thị của làng chài Nhơn Lý có nét đặc trưng độc đáo riêng mà không phải địa phương nào cũng có được.
Hiện UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quy hoạch bảo tồn và phát triển kiến trúc văn hóa làng chài để phát triển du lịch bền vững tại Nhơn Lý; đồng thời, triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lý Lương, Lý Hưng, xã Nhơn Lý… nhằm phát huy thế mạnh du lịch mang đậm nét văn hóa đặc sắc của một làng chài ven biển.
Theo ông Danh, để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường, đào tạo nhân lực, Nhơn Lý còn củng cố lại loại hình chèo bả trạo, đội bài chòi cổ (văn hóa dân gian), bảo tồn và phát triển rạn san hô…
“Mục tiêu của lãnh đạo tỉnh Bình Định là phát triển du lịch thành điểm đến “3 tốt” (an ninh tốt, môi trường tốt và quan hệ cộng đồng tốt) và “3 không” (không chặt chém, không giành giật khách, không người ăn xin).
Xác định phát triển du lịch là việc làm lâu dài, chúng tôi đang gọi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải làm ăn nghiêm túc, bài bản. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch để giữ hình ảnh du lịch của địa phương”, ông Danh nói.