Cô gái Việt từ ghét đến mê mùi hoa lavender

Bùi Huệ Tâm từng thấy mùi hoa oải hương rất hắc, nhưng khi lần đầu trực tiếp đến cánh đồng hoa, trong cô là cảm giác “thích thú vô cùng”.

Bùi Huệ Tâm, 29 tuổi sống tại Amsterdam, Hà Lan, điều hành blog Scents Through My Lens, chuyên viết về các mùi hương ở những nơi cô đặt chân đến. Giữa tháng 7, Tâm cùng chồng có chuyến du ngoạn đến Valensole, tỉnh Provence, Pháp để thăm những cánh đồng hoa oải hương nổi tiếng. Thời điểm Tâm đến là hoàng hôn.
Tâm cho biết chụp ảnh hoàng hôn rất đông du khách, và tình trạng này kéo dài cho đến 21-22h đêm. Lý do là châu Âu mùa hè tối muộn. Trên những cánh đồng hoa cô đã gặp rất nhiều đồng hương, là các du khách Việt khác cũng đến chụp ảnh. Cô gái trẻ cảm thấy rất thích thú vì điều này.
Valensole là một trong những vùng nổi tiếng nhất thế giới với nhiều cánh đồng hoa oải hương rộng lớn, trải dài tới tận chân trời. Hai vợ chồng cô nghỉ lại Valensole đêm 10 và 11/7. Ngoài lúc hoàng hôn, Tâm còn ra thăm các cánh đồng hoa vào sáng sớm. Lúc 6-7h (ảnh), nắng đã lên cũng là thời điểm chụp hoa đẹp và vắng người hơn buổi tối. “Đó là thời điểm lý tưởng để bạn chụp ảnh, tham quan”, Tâm nói.
Khi còn ở Việt Nam, Tâm sợ mùi oải hương trong những gói hoa khô vụn, thường treo trong tủ quần áo vì mùi hắc. Nhưng Tâm lại bị mê hoặc với cánh đồng hoa ở Provence trong bộ phim Một thoáng mộng mơ của Trung Quốc từ hơn 10 năm trước. “Có dạo từng rộ lên cánh đồng oải hương ở Đà Lạt. Tôi đã đến bằng được để xem và thích thú vô cùng. Nhưng tất cả đều không là gì so với cảm giác tôi đứng giữa cánh đồng oải hương ở Valensole. Cứ như một giấc mơ”, nữ du khách Việt chia sẻ.

Nhưng đó là bốn năm trước. Hiện tại, chồng Tâm làm trong ngành điều chế mùi hương, nên cô quan tâm hơn đến lĩnh vực hương thơm nhiều hơn. Trong chuyến trở lại Provence lần này, hai vợ chồng kết hợp vừa đi làm vừa du lịch.
Hoa oải hương có độ bốc toả mạnh, là sự pha trộn giữa hương hoa, thảo mộc, long não, gỗ, phấn, cả một chút nét trái cây, và lớp cỏ khô làm nền.

Mùi hương của hoa oải hương gắn liền với sự sạch sẽ, có lẽ vì ngay từ tên gọi “lavender” được cho là xuất phát từ “lavare” trong tiếng Latin có nghĩa là “giặt giũ/tắm rửa”.
Ở Provence có ba giống chính được trồng là true lavender/English lavender (Lavandula angustifolia), spike lavender (Lavandula latifolia), và lavandin (“con lai” của hai loại trên). Trong đó, true lavender là giống ít gặp nhất, vì chỉ mọc ở độ cao 600-1.300 m. Còn đa số các loại hoa xanh tím mà chúng ta thường gặp trên đường là lavandin, ngay cả những cánh đồng rất nổi tiếng với khách du lịch ở Provence, vì giống hoa này có thể phát triển ở bất kỳ độ cao nào và cho năng suất cao hơn nhiều so với true lavender.

Hai vợ chồng đã dạo rất nhiều cánh đồng oải hương ở Provence, nhưng rất ít gặp “true lavender”. Số đông, đó là các cánh đồng lavandin. Theo lý giải của nữ du khách, lavadin nhiều vì nhu cầu sản xuất cao cho các sản phẩm hương gia dụng (giặt giũ, tắm gội, dưỡng thể…) và lavandin đáp ứng nhu cầu tốt hơn.
Trên ảnh, chồng Tâm đang tham gia một tour thu hoạch oải hương. Theo cách truyền thống, hoa sẽ được cắt thủ công bằng lưỡi hái và gom vào một bao tải đeo trên lưng. Khi đã đầy, bao tải sẽ được đổ dọc theo các cánh đồng để phơi khô dưới ánh mặt trời hoặc nghiền nhỏ, ép chặt trước khi đem chưng cất.
Nếu chỉ đến Provence ngắm hoa oải hương và chụp ảnh sẽ khó phân biệt được các giống hoa, vì nhìn lướt sẽ thấy chúng giống nhau. Bạn rất nên tham gia các tour đi ra đồng để tự tay thu hoạch, dùng mũi ngửi để phân biệt các mùi, nghe các chuyên gia giải thích về cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và cả cách chiết xuất mùi hương.

Ngày nay, người dân ở Provence dùng xe cắt hoa chuyên dụng cho quy mô, sản lượng và hiệu suất lớn hơn.
“Được tham gia và chiêm ngưỡng những cảnh tượng này thật sự là một trải nghiệm khứu giác mạnh mẽ. Dù không ít lần tôi khó thở vì mùi hương quá mạnh nhưng không khó chịu. Đó là cái cảm giác giống việc bạn thích ăn cay, và được ăn những món càng cay lại càng thích vậy”, Tâm nói.
Khi thu hoạch về, hoa oải hương sẽ được mang đi chưng cất bằng hơi nước trong những cái “buồng” như trong ảnh. Quá trình chưng cất hoàn toàn của hoa oải hương kéo dài từ 45 đến 90 phút tuỳ giống hoa.

“Oải hương là linh hồn của Provence, là một trong những biểu tượng của miền Nam nước Pháp. Nhưng miền Nam không chỉ có những vùng biển đầy hoa. Nơi đây còn có mặt hồ Sainte-Croix xanh biếc, ngôi làng Sainte-Croix-du-Verdon bình dị trên sườn đồi để bạn ghé thăm. Nếu đi xa chút nữa, chúng ta sẽ thấy mình đang trên cung đường để đến Nice – Cannes – Monaco”, Tâm gợi ý.
Để đến vùng Provence, hai vợ chồng Tâm bắt tàu từ Paris, sau đó bắt xe tại ga để về thẳng Valensole. Tiếp đó, họ di chuyển về Nice rồi bắt tàu lên Grasse thăm thú.
Vì chồng Tâm luân chuyển công tác đến Pháp hết năm nay, nên hai vợ chồng cô vừa đi làm, vừa kết hợp du lịch dọc đất nước. Tâm cho biết ngoài Valensole, du khách có thể ghé Grasse (ảnh), thủ phủ nước hoa với những con hẻm xinh xắn được trang trí theo phong cách mộng mơ.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This will close in 20 seconds

This will close in 0 seconds